Gửi lúc 11:30' 02/07/2009
Loãng xương và tuổi già
Loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương. Một khía cạnh đáng sợ của loãng xương là bệnh thường xảy ra một cách âm thầm, bệnh nhân không hề hay biết hoặc đau đớn cho đến khi xương đột ngột bị gãy. Nhiều khi một cái hắt hơi cũng làm xương gãy.Loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương. Một khía cạnh đáng sợ của loãng xương là bệnh thường xảy ra một cách âm thầm, bệnh nhân không hề hay biết hoặc đau đớn cho đến khi xương đột ngột bị gãy. Nhiều khi một cái hắt hơi cũng làm xương gãy.
Ai dễ bị loãng xương?
Loãng xương là một bệnh thường hay thấy ở nữ hơn nam và khá phổ biến ở người cao tuổi. Cũng như cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, loãng xương là một yếu tố nguy cơ của gãy xương. Tuy bất cứ xương nào cũng có thể bị gãy do mật độ xương giảm thấp, nhưng những xương thường hay bị gãy là cổ xương đùi, xương cột sống, xương cổ tay, xương sườn và xương chậu. Không cần phải nói ra, có lẽ ai cũng biết gãy xương làm cho bệnh nhân rất đau đớn, hạn chế công việc hàng ngày, và giảm chất lượng cuộc sống.
Một khía cạnh đáng sợ của loãng xương là bệnh thường xảy ra một cách âm thầm. Bệnh nhân không hề hay biết hay đau đớn cho đến khi xương đột ngột bị gãy. Gãy xương đốt sống là một đặc điểm của "bệnh âm thầm" đó. Gãy xương đốt sống cũng thường xảy ra ở người cao tuổi và thường là tín hiệu cho thấy xương "có vấn đề".
Theo một nghiên cứu mới đây, tại TP.HCM, tỷ lệ gãy xương đốt sống ở phụ nữ trên 50 tuổi là 17%, tức tương đương với tần số ở phụ nữ phương Tây. Trường hợp của ngoại tôi, với lưng còng (kyphosis) và giảm chiều cao là một trong những triệu chứng dễ nhận nhất của bệnh loãng xương.
Nhưng có lẽ hệ quả quan trọng nhất của loãng xương là gãy cổ xương đùi, bởi vì đây là một biến cố nghiêm trọng trong đời người, do tăng nguy cơ tử vong và suy giảm chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân còn sống sót sau gãy xương. Ở các nước phương Tây, cứ 100 phụ nữ sống đến tuổi 80 thì có 10 người bị gãy cổ xương đùi (tương đương với tần số bệnh ung thư vú); trong số này, khoảng 15 đến 20% tử vong sau một năm. Số còn sống sót thì khó đi lại, thậm chí nằm một chỗ, với nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở nam, tỷ lệ tử vong vì gãy cổ xương đùi còn cao hơn nữ.
Phòng ngừa loãng xương không khó
Ngoài tình trạng loãng xương là một yếu tố chính dẫn đến gãy xương đùi, các yếu tố mang tính môi trường khác cũng nguy hiểm không kém. Khoảng 95% ca gãy cổ xương đùi là do té ngã hay trượt chân. Môi trường dễ dẫn đến té ngã là sàn nhà trơn (như lót gạch men, nhất là trong phòng tắm), dây nhợ chằng chịt trong nhà, hay môi trường thiếu ánh sáng.
Những người thiếu vitamin D có nguy cơ té ngã cao hơn những người có vitamin D đầy đủ. Nguồn vitamin D chủ yếu là từ ánh nắng mặt trời. Các nghiên cứu từ Thái Lan và các nước trong vùng Đông Nam Á cho thấy khoảng 40% người dân thiếu vitamin D. Ở Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu về vitamin D, nhưng với thói quen trùm kín mặt khi ra đường để tránh nắng, chúng ta có thể tiên đoán rằng số người cao tuổi thiếu vitamin D có thể lên đến 50%.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy những nước tiêu thụ nhiều chất béo và đạm động vật hay người dân ít vận động cũng là những nước có tỷ lệ gãy xương cao so với những nước nghèo hơn mà nguồn thực phẩm chủ yếu là rau quả, cá và người dân vận động nhiều hơn.
Suy luận từ những sự thật trên cho thấy việc phòng ngừa loãng xương và gãy xương nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta: đó là duy trì một chế độ ăn uống quân bình (ít chất béo, giảm đạm động vật, tăng rau quả), một lối sống lành mạnh (bỏ hút thuốc và giảm rượu), duy trì vận động cơ thể bằng tập thể dục vừa phải, phơi nắng mặt trời khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày.
Theo Nutifood
Bản gốc: Sức khỏe số - Loãng xương và tuổi già
Không có nhận xét nào: