Gửi lúc 16:52' 19/05/2009
Chủ quan khi đau 'bi'
Nhiều nam giới tặc lưỡi bỏ qua khi thấy đau "túi đôi" để rồi phải đối mặt với tình trạng teo tinh hoàn, có thể gây vô sinh. Nếu đột nhiên có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ ở "hai hòn ngọc", bạn đừng xem thường.Gần một tháng nay, chị Trần Thị Kim Tuyết, 25 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú, TP HCM, thấy chồng có vẻ thờ ơ chuyện chăn gồi. Gạn hỏi mãi, anh Tuấn, chồng chị, mới cho biết: "Bi trái bị đau!". Chị khuyên chồng đi khám nhưng anh trấn an: "Chắc do đi xe bị xóc thôi, vài bữa sẽ khỏi".
Vài bữa đâu chẳng thấy, chỉ thấy bây giờ anh mắc thêm chứng tiểu lắt nhắt, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn đau ở "bi", dương vật và lan sang vùng bụng dưới. Đến lúc này, anh mới chịu đi bệnh viện. Sau khi khám, siêu âm và làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh Tuấn bị viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn.
"Bi" (túi tinh hoàn) chính là cơ quan sản xuất ra tinh trùng. Bên cạnh đó, tinh hoàn còn sản sinh ra hoóc môn sinh dục nam và điều chỉnh hoạt động của hệ sinh dục nam giới. Theo các bác sĩ nam khoa, tinh hoàn rất nhạy cảm do lớp vỏ bọc bên ngoài là bìu khá mong manh.
"Bi" đau thường do các nguyên nhân như:
- Xuất tinh quá nhiều hoặc không xuất tinh, ức chế xuất tinh trong quá trình vợ chồng gần gũi đều có thể gây đau tinh hoàn.
- Chấn động cơ học: Do những hành động quá mạnh bạo trong khi quan hệ, tư thế không phù hợp. Ngoài ra, những người thường xuyên phải di chuyển nhiều (lái xe hoặc ngồi sau xe), nhất là đi xe đạp trong một thời gian dài hoặc trên những địa hình không bằng phẳng có thể dẫn đến tình trạng đau "bi". Chỗ hiểm bị va đập vào vật cứng (thường gặp nhất khi chơi thể thao) cũng là một nguyên nhân.
- Xoắn tinh hoàn: Tính di động của tinh hoàn trong bìu có thể gây xoắn tinh hoàn, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi bìu. Hậu quả là làm chết các tế bào ở "bi". Đây là tình trạng rất nguy hiểm, thường xảy ra ở nam giới từ 10 đến 20 tuổi.
- Viêm mào tinh hoàn một hay cả hai bên. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn từ bàng quang hoặc mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Đây là trường hợp giãn các tĩnh mạch nằm phía bên trên tinh hoàn, thường gặp nhất ở tinh hoàn trái. Rơi vào trường hợp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhói ở tinh hoàn khi làm việc nặng hoặc đứng lâu.
Về mặt cảm quan, một bên tinh hoàn có thể nhỏ hơn bên kia, sờ vào gốc dương vật có những búi giống sợi mì. Giãn tĩnh mạch thừng tinh sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của "tinh binh".
Để bảo vệ tinh hoàn trước những cơn đau, khi phát hiện tình trạng bất thường ở tinh hoàn của chồng (đau nhói hoặc kéo dài), bạn nên khuyên anh ấy đi khám càng sớm càng tốt ở các chuyên khoa nam.
Nếu đau tức do chấn động cơ học, bạn có thể dùng túi nước đá hoặc khăn ấm để chườm cho chồng. Cách khác để xoa dịu cơn đau khá hiệu quả là tắm nước ấm. Còn những trường hợp bệnh lý như xoắn tinh hoàn, giãn mạch thừng tinh… bệnh nhân cần được điều trị chuyên khoa sớm.
Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Như trường hợp của anh Tuấn, sau khoảng sáu tuần dùng thuốc kháng sinh, tình hình "vùng chiến lược" của anh đã được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, để phòng bệnh, các quý ông nên chú ý bảo vệ chỗ hiểm khi chơi thể thao, không ngồi làm việc hoặc đi xe liên tục suốt 2- 3 tiếng mà nên thường xuyên đi lại để thả lỏng cơ thể, giữ vệ sinh vùng kín cũng là một cách hiệu quả để ngăn chặn việc nhiễm khuẩn. Trước và sau khi quan hệ, cả hai vợ chồng nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đồng thời, để ngăn chặn việc nhiễm virus, vi khuẩn, vợ chồng bạn nên áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Hoàn Ngọc
Bản gốc: Sức khỏe số - Chủ quan khi đau 'bi'
Không có nhận xét nào: