Quá trình phát triển của thai nhi

Video quá trình phát triển của thai nhi.Từ tuần đầu tiên cho đến tuần thứ 41
Sau đây là tóm tắt quá trình sinh trưởng và phát triển của thai nhi mà mình tham khảo tìm thấy được.Các bạn cùng tham khảo







Tuần 1 – 4
Quá trình thụ thai đã diễn ra và một quả bóng bé xíu xiu, tập hợp của các tế bào đang không ngừng phân chia và bám chắc vào dạ con.
Quá trình thụ thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối vì vậy trong vòng 3 tuần đầu tiên, người phụ nữ có thể chưa thực sự mang thai.
Tuần 5
Khối tế bào lớn rất nhanh và trở thành một phôi mầm. Đối với những chị em có chu kỳ đều đặn, dấu hiệu đầu tiên của quá trình mang thai chính là “đến tháng mà không thấy”.
Que thử nhanh sẽ cho bạn biết chính xác những nghi ngờ của mình. Nếu que thử không lên 2 vạch, bạn có thể thử lại một vài ngày sau đó khi lượng hormone thai nghén trong nước tiểu tăng lên.
Tuần 6
Phôi mầm lúc này đã trở thành một bào thai thực sự. Nó có cỡ một hạt đậu với xương sống và hệ thần kinh nguyên thủy đã hình thành.
Bào thai đã có một hệ huyết mạch riêng và có thể thuộc một nhóm máu khác với nhóm máu của mẹ. Những mạch máu sẽ trở thành dây cuống rốn và trên phôi mầm những chiếc chồi bé xíu bắt đầu “nảy ra” (khởi thủy của các chi – chân, tay – sau này).
Tuần 7
Trái tim của bé bắt đầu tượng hình.
Ốm nghén vào buổi sáng và một số ảnh hưởng khác của giai đoạn đầu thai kỳ bắt đầu rõ ràng.

Nhìn chung trong giai đoạn này, các bà mẹ tương lai thường đi tiểu nhiều hơn, hay buồn nôn, nôn ói, dễ khóc và hay cáu kỉnh.

Đây cũng là thời điểm các bà mẹ cần được chăm sóc cẩn thận bởi bào thai sẽ tiếp tục phát triển hay không chính là ở trong 12 tuần đầu tiên.

Nếu bạn chưa nói với sếp và mọi người về tình trạng của mình thì đây chính là thời điểm tốt để nhận được sự giúp đỡ và thông cảm từ mọi người.

Tuần 8

Đây là thời điểm bạn có thể đi siêu âm lần đầu nếu bạn từng bị sẩy thai hay chảy máu bất thường.

Kỹ thuật siêu âm lần đầu này thường là dạng “đầu rò” (thiết bị siêu âm qua đường âm đạo) sẽ giúp phát hiện quá trình “làm tổ” có bị lệch vị trí hay không.

Đây cũng là thời điểm trái tim bé nhỏ của bé bắt đầu rộn ràng cất tiếng. Hệ thần kinh phát triển rất nhanh, đặc biệt là não bộ. Đầu lớn dần và mắt đang hình thành dưới da mặt. Tứ chi của bào thai đang phát triển không ngừng và đã ra dáng những bàn chân, bàn tay bé xíu. Tất cả các cơ quan nội tạng cũng đang phát triển và ngày càng phức tạp hơn.

Tuần 9

Bào thai dài khoảng 5cm với phần đầu và ngực phân chia bởi một nếp gấp. Những cơ quan lớn, mắt và tai đều đang phát triển.

Tuần 10

Siêu âm trong giai đoạn tuần 10 – 13 là yêu cầu bắt buộc của quá trình theo dõi thai kỳ.

Tuần 11

Cuống rốn đã có thể thực hiện hoàn chỉnh vai trò của nó là cung cấp dưỡng chất và “dẫn xuất” các chất thải loại ra khỏi bào thai. Thai nhi lúc này thực sự có hình dáng của một con người.

Tuần 12

Tuần này, mọi đe dọa sẩy thai đã được giảm thiểu. Đây là lúc nhiều phụ nữ vui mừng thông báo “tin vui” với bạn bè và đồng nghiệp.

Thai nhi lớn rất nhanh với chiều dài khoảng 8cm, nặng 60gr. Nhau thai lúc này đã khá hoàn chỉnh nhưng nó sẽ chỉ thực hiện được đầy đủ chức năng của mình ở tuần 14.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để bà mẹ tương lai có thể nhìn ngắm lần đầu tiên đứa con yêu quý của mình qua màn hình siêu âm.

Tuần 13

Tử cung của người mẹ trở nên lớn hơn và bụng bắt đầu lộ.

Thai nhi đã có thể “ngoáy ngó” đầu rất dễ dàng.

Tuần 14

Một phần 3 chặng đường gian nan đã qua. Thời gian mang thai trung bình là 266 hoặc 280 ngày (phụ thuộc vào cách tính ngày đầu hay cuối chu kỳ kinh).

Tuần 15

Khuyết tật bị hội chứng Down sẽ được phát hiện trong tuần này. Xét nghiệm máu và “chọc ối” sẽ cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, những xét nghiệm chẩm đoán này có thể gây ra sẩy thai sau đó.

Tuần 16

Thai nhi giờ đã có các ngón chân và móng tay, có mi mắt và lông mày. Toàn bộ người bé lúc này xuất hiện một lớp lông tơ và nó sẽ phát triển tới tận tuần cuối cùng trước khi chào đời (đây được xem là dấu vết còn sót lại của thủy tổ loài người). Lớp lông tơ này có tác dụng bảo vệ làn da mỏng manh của bé khỏi môi trường nước ối xung quanh.

Tuần 17

Bào thai đã có thể “nghe ngóng” tiếng động từ thế giới bên ngoài. Đây cũng là thời điểm người mẹ đã ra dáng một bà bầu với cái bụng bầu không ngừng lớn lên.

Tuần 18

Tuần mà bào thai bắt đầu thể hiện sự “hiếu động” của mình. Người mẹ cảm nhận rất rõ những chuyển động của bé.

Tuần 19

Bào thai lúc này dài khoảng 15 – 20cm và nặng khoảng 300g. Những chiếc răng sữa đầu tiên đang hình thành dưới lợi.

Tuần 20

Một nửa giai đoạn “trông ngóng” đã trôi qua. Đây cũng là thời điểm các bác sĩ hẹn các bà mẹ tới khám và siêu âm định kỳ.

Toàn cơ thể bé lúc này sẽ phủ một lớp sáp mỏng (còn gọi là chất gây) giúp bảo vệ làn da của bé khỏi môi trường nước ối hiệu quả hơn.

Siêu âm lúc này cũng cho biết chính xác giới tính của bé. Tuy nhiên, tại tất cả các bệnh viện, các bác sĩ không được phép tiết lộ giới tính của thai nhi.

Tuần 21

Bà mẹ có thể cảm thấy thở gấp hơn vì tử cung lúc này đang chèn ép cơ hoành, “xâm lấn” không gian của phổi.

Bà mẹ cũng có thể đi siêu âm trong thời gian này để kiểm tra nội tạng và sự phát triển của bé.

Tuần 22

Sự phát triển của các giác quan: Vị giác được hình thành với sự “nảy chồi” của lưỡi và thai nhi có thể cảm nhận được qua sự đụng chạm.

Tuần 23

Khung xương tiếp tục phát triển và xương sọ bắt đầu cứng lại nhưng chưa hoàn chỉnh (thóp sau này).

Tuần 24

Khám thai và siêu âm để kiểm tra vị trí của thai nhi. Nếu vì một lý do nào đó, bé “đòi” chui ra trong thời điểm này thì cơ hội sống sót là khá lớn.

Một đứa trẻ 24 tuần tuổi có thể cứu sống nhưng nó có thể gặp vấn đề về hô hấp sau này. Nó cũng sẽ rất nhẹ cân và dễ bị nhiễm khuẩn.

Tuần 25

Tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đã hoàn chỉnh và đây là giai đoạn phát triển chiều cao và cân nặng của thai nhi.

Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng thai sản do huyết áp tăng cao. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nhưng có thể liên quan tới phản ứng của hệ miễn dịch của người mẹ với “vật thể lạ” (thai nhi) hoặc nhau thai. Nếu tình trạng trầm trọng, các bà bầu sẽ được chỉ định mổ đẻ để cứu mẹ.

Tuần 26

Da dẻ của thai nhi sẽ không còn trong suốt nữa mà ngày càng “đục” dần (không còn nhìn thấy các mạch máu nhỏ dưới da), giống với tình trạng khi bé được sinh ra.

Tuần 27

Lúc này, thai nhi dài khoảng 34cm và nặng khoảng 800g.

Tuần 28

Đi khám thai định kỳ.

Đối với một số bà mẹ trong máu có kháng nguyên Rh(-) (giống hồng cầu của khỉ) thì cần được xét nghiệm bởi hồng cầu của bào thai sẽ là Rh(+) kích thích cơ thể mẹ sản xuất kháng thể anti Rh, lần có thai đầu ít có tai biến cho thai nhi, nhưng lần sau, nếu thai vẫn là Rh(+) kháng thể anti Rh sẽ từ mẹ truyền qua con theo đường nhau thai và làm ngưng kết hồng cầu của thai. Tùy theo mức độ ngưng kết đưa đến sẩy thai hay thai chết.

Tuần 29

Một số phụ nữ bị chứng chân tê tê buồn buồn (có cảm giác như có con gì bò trong chân, thậm chí bị chuột rút hay nóng ở gót chân hoặc khó ngủ vào buổi tối và khiến người mẹ có cảm giác họ cần phải thức dậy và đi loanh quanh). Hiện chưa rõ chứng này có gây hại gì không nhưng rõ ràng nó làm các bà bầu rất khó chịu.

Tuần 30

Bạn có thể cảm nhận hoặc không cảm nhận được các cơn co dạ con nhẹ nhẹ bắt đầu ở thời điểm này. Tất nhiên là các cơn co này không làm bạn đau đớn.

Những cơn co này không tuân theo quy luật, không gây đau. Vậy nên nếu các cơn co dạ con gây đau và diễn ra từ 4 lần/giờ trở lên thì bạn cần đến bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu của chuyển dạ sớm.

Tuần 31

Thai nhi đã có thể nhìn và phân biệt được sáng tối.

Ngực của bạn giờ tiết ra một chất lỏng trong trong, dinh dính – đó chính là sữa non. Nguồn dinh dưỡng giàu calo này rất quý giá với bé và sẽ sớm chấm dứt, chuyển sang sữa bình thường chỉ vài ngày sau khi bé chào đời.

Tuần 32

Lúc này thai nhi dài khoảng 42cm và nặng 2,2kg. Nếu bé chào đời lúc này, bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuần 33

Từ bây giờ, bé đã nằm ổn định ở vị trí đầu chúc xuống dưới, sẵn sàng để chào đời. Nếu bé vẫn chưa xoay đúng thế thì đây là lúc các bác sĩ sẽ giúp bạn “vần” bé về đúng vị trí.

Tuần 34

Người mẹ có cảm giác ăn nhanh no hơn do bào thai chèn ép dạ dày. Tốt nhất hãy ăn thành nhiều bữa, bất cứ khi nào bạn thấy đói.

Tuần 35

Đây là thời điểm tốt nhất đểu thảo luận với bác sĩ nếu người mẹ có kế hoạch sinh mổ.

Tuần 36

Đầu bé đã sẵn sàng để “lọt” xuống khung xương chậu bất cứ khi nào.

Tuần 37

Phổi của bé giờ đã sẵn sàng để bé trở thành một cá thể độc lập.

Những tuần cuối cùng của thai kỳ là thời điểm bé đang tập trung để tăng trưởng về trọng lượng.

Tuần 38

Bé sinh ra trong tuần này không còn bị xếp vào diện “đẻ non” nữa.

Tuần 39

Mọi thay đổi về dáng vẻ và trọng lượng của mẹ sẽ kết thúc trong tuần này.

Tuần 40

Về lý thuyết, bé sẽ chào đời trong tuần này. Cổ tử cung của người mẹ đã sẵn sàng cho việc sinh bé khi nó trở nên mềm hơn.

Tuần 41

Đây là giới hạn cuối cùng cho những bé bướng bỉnh, không chịu chui ra.
Quá trình phát triển của thai nhi Quá trình phát triển của thai nhi Reviewed by Bùi Thu Trang on 20:57 Rating: 5

Không có nhận xét nào: